Tác phẩm Lê_Quý_Đôn

Bộ sách Lê Quý Đôn toàn tập: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử.

Theo GS. Dương Quảng Hàm, Lê Quý Đôn thật là một nhà bác học ở đời Lê mạt: một tay ông đã biên tập, trứ thuật rất nhiều sách. Tuy tác phẩm của ông đã thất lạc ít nhiều, nhưng những bộ còn lưu lại cũng là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước Việt...Có thể chia các tác phẩm chữ Hán của ông ra làm năm loại như sau:

1. Các sách bàn giảng về kinh, truyện

2. Các sách khảo cứu về cổ thư

  • Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), gồm 4 quyển, đã khắc in, có tựa của tác giả (đề năm 1757), của Chu Bội Liên (người nhà Thanh) và của Hồng Hải Hi (sứ Triều Tiên đề năm 1761).
  • Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), gồm 12 quyển, có tựa của Chu Bội Liên và Hồng Khải Hi đề năm 1761.
  • Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở nơi đọc sách), gồm 4 quyển, viết năm 1773. Sách chia làm 9 mục, mỗi mục lại chia làm nhiều điều. Trong mỗi mục, tác giả trích dẫn các sách Trung Hoa (cổ thư, ngoại thư) nhiều quyển hiếm có, rồi lấy ý riêng của mình mà bàn. Xem sách này thì biết tác giả đã xem rộng đọc nhiều.

3. Các sách sưu tập thi văn

  • Toàn Việt thi lục (Chép đủ thơ nước Việt), gồm 20 quyển (theo Phan Huy Chú), nhưng hiện còn 15 quyển. Sách do ông phụng chỉ biên tập, dâng lên vua Lê Hiển Tông xem năm 1768. Trong sách sưu tập thơ của các thi gia Việt Nam từ đời Lý đến đời Hậu Lê....Đây là một quyển sách quý để khảo cứu về tiểu sử và tác phẩm của các thi gia.
  • Hoàng Việt văn hải (Bể văn ở nước Việt của nhà vua), là sách sưu tập các bài văn hay.

4. Các sách khảo về sử ký địa lý

  • Đại Việt thông sử (còn gọi là "Lê triều thông sử"), gồm 30 quyển (theo Phan Huy Chú), viết năm 1749. Đây là bộ sử được viết theo thể kỷ truyện (chỉ có phần Bản kỷ là chép theo lối biên niên) chép từ thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Cung Hoàng (theo Phàm lệ của tác giả). Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn truyền lại mấy phần là:
-Đế kỷ (2 quyển), chép từ năm Lê Lợi khởi nghĩa (1418) đến năm ông mất (1433).-Nghệ văn chí (1 quyển), chép về sách vở văn chương.-Liệt truyện (11 quyển), chép về các Hậu phi, Hoàng tử, Danh thần (đời vua Lê Thái Tổ) và Nghịch thần (từ cuối đời nhà Trần đến nhà Mạc).
  • Đại Việt sử ký tục biên (Nguyễn Hoàn‎, ‎Lê Quý Đôn‎, ‎Vũ Miên‎ hợp soạn).
  • Bắc sứ thông lục (Chép đủ việc khi đi sứ sang Trung Quốc), 4 quyển, làm năm 1763. Trong sách ghi chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, chuyện trò, đối ứng trong khi đi sứ (1760-1762).
  • Phủ biên tạp lục (chép lẫn lộn về chính trị cõi biên thùy), gồm 6 quyển, làm khi tác giả được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa (1776). Trong sách biên chép khá tường tận xã hội xứ Đàng Trong (nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam) ở thế kỷ 18.
  • Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều thấy nghe), gồm 12 quyển, có tựa của tác giả đề năm 1777. Đây là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Trong sách, tác giả đã đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...
  • Âm chất văn chú, gồm 2 quyển, đã khắc in, chép các bài huấn chú của các nhà ở Trung Quốc, có kèm theo lời đính chính của tác giả.
  • Lịch đại danh thần ngôn hành lục, gồm 2 quyển, chép công việc của các danh thần các triều.

5. Thơ văn

  • Liên châu thi tập, gồm 4 quyển, chép thơ của Lê Quý Đôn cùng các thi gia khác, và những bài trả lời của các thi sĩ nhà Thanh và Cao Ly làm khi ông đi sứ sang Trung Quốc.
  • Quế Đường thi tập (Tập thơ Quế Đường), gồm 4 quyển
  • Quế Đường văn tập (tập văn Quế Đường), gồm 3 quyển.

Về văn Nôm, hiện nay chỉ còn:

  • Bài thơ thất ngôn bát cú: "Rắn đầu biếng học"
  • Bài kinh nghĩa: "Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử" (Mày về nhà chồng phải kính răn, chớ trái ý chồng).
  • Bài văn sách hỏi về câu "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công tô điểm má hồng răn đen".
  • Bài kinh nghĩa: "Mẹ ơi con muốn lấy chồng"
  • Bài "khải" viết bằng văn xuôi chép trong Bắc sứ thông lục.

Tuy nhiên trừ bài "khải" ra, theo PGS. Nguyễn Thạch Giang, các bài Nôm còn lại đều không chắc là của ông [30].